Images

Tình Yêu Bao La

 Tại sao nhà người ta không cần phải thức khuya dậy sớm mà sao vẫn khá giả đủ tiền để đóng học phí còn bố mẹ thức khuya dậy sớm vất vả mà học phí phải khất lần mãi rồi cuối cùng còn mang cái cụm từ "thức khuya dậy sớm" ra nói với con suốt ngày nhức đầu?

Không giấu gì các bạn, phía trên là một trong những câu hỏi phũ phàng của tôi chất vấn cha mẹ làm cha mẹ tôi nhức đầu vì hồi nhỏ tôi khá ngỗ nghịch. Đến giờ tôi đã có con và mỗi lần nghĩ lại những câu nói ấy thấy thương cha mẹ, những người có tình yêu bao la như biển Thái Bình.

Gia đình tôi nghèo sống trong một làng quê xa xôi nằm ở cuối cùng tận hẻm của tỉnh Hà Nam. Như bao nhiêu chàng trai cô gái khác, cha mẹ tôi đã lập một gia đình với ước mơ hạnh phúc và trong cái thời bao cấp ấy chắc ít người ước mơ giàu sang chỉ mong thực hiện được câu thành ngữ: Một túp lều tranh hai quả tim vàng.

Cha tôi kể lại thời bao cấp mọi tài sản đều là của chung và người ta ra đồng để làm cho hợp tác xã để hưởng tem phiếu. Cha chung không ai khóc nên người ta làm thường rất lười biếng, có khi người chịu khó dễ trở thành hình ảnh chế diễu nữa. Thật tội nghiệp. Tội nghiệp hơn là khi cầm tem phiếu đứng xếp hàng từ 4 giờ sáng đợi đến 7 giờ phát nhưng đến 8 giờ sáng khi mới phát được một nửa số người thì công bố hết hàng. Số người còn lại ngậm ngùi ra về chịu đói vì cả xã hội coi việc bán hàng bên ngoài hợp tác xã là hàng lậu, dễ bị bỏ tù. Những người đói này chỉ còn biết ra về với cái bụng trống rỗng và hy vọng sáng mai ra xếp hàng từ 2 giờ để chờ trực đến 7 giờ họ phát thì may ra có phần. Có lẽ vì thời gian này ám ảnh nên ngày nay người Việt mình sợ xếp hàng.

Lâu lâu thấy bài hát: "tía em là nông dân, má em là nông dân" mấy bạn trẻ cứ hay xuyên tạc là: "may quá em không phải là nông dân" kể ra cũng hơi phũ phàng nhưng đúng là sự thật. Cha mẹ tôi làm nghề nông, nghề mà người ta hay gọi: Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ngày nay tôi hay gọi là nghề: Phơi nắng lấy tiền. quả là vất vả không sai. Nghe những giọng điệu sau trong bài Hạt Gạo Làng Ta chắc bạn sẽ hiểu:

Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sau
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.

Tại sao nước như nóng bỏng như vậy, các sinh vật chết chóc và tránh xa mà mẹ lại phải xuống cấy????
Miền bắc Việt Nam nơi cha mẹ tôi sinh sống thì thời tiết khắc nghiệt khỏi phải bàn. Mùa hè thì nắng cháy mặt mũi, mùa đông thì rét thấu tận xương tủy. Nhưng mùa nào thì mùa, lội nước ngoài đồng không có lý do gì để tránh. Thật thương cho bố mẹ tôi.

Trong ký ức của tôi không quên hình ảnh mẹ tôi khi nhổ mạ phải chăm chút từng cây lúa con nhổ lên rồi đập đập, nước bùn bắn lên khắp người, khuôn mặt đẹp của mẹ tôi bị lấm lem toàn bùn đất thối tha. Hơn thế nữa chân bị cắn tan tác bởi lũ đỉa, máu tơi túa ra tràn trề từ đầu gối trở xuống. Tôi cũng không thể quên được bao nhọc nhằn gian lao của cha tôi khi nền nông nghiệp lạc hậu bắt ông phải dùng cái xe thồ là xe đạp chế ra thồ những xe lúa to hơn cả cái xe tải 500 kg, đặc biết khi ông thồ qua những đường mương đầy ổ gà, ổ voi, sâu và trơn trượt. Đó là còn chưa nói từ khâu nhổ mạ đến khâu thu hoạch còn bao điều cực khổ mà nhiều khi chỉ một cơn bão cuốn đi toàn bộ hoa màu.

Bà xã tôi ngày nay mới chỉ mang bầu thôi đã như người sống dở, tôi chăm một bé thôi mà nhiều khi bị áp lực như sống trong địa ngục rồi vậy mà nghĩ lại xưa bố mẹ tôi nuôi 5 người, vất vả gấp nhiều lần vẫn làm được. Quả là cái vất mình trải thì mình thấy chứ còn cha mẹ trải thì con cái đâu có thấy. Bé nhà tôi mai mốt có làm tôi phiền lòng tôi cũng hiểu là nó sẽ biết khi nó nuôi con.

Vì nghề nông không đảm bảo chi tiêu cuộc sống nên cha mẹ tôi buộc phải làm nhiều nghề khác. Ngày xưa cha mẹ tôi còn có nghề đi te tức là bắt cá bằng lưới buộc sau cái thuyền nan. Ngày xưa cá còn có chứ còn đến thời bao cấp đói khổ cá, cua cũng chẳng còn đủ mà bắt. Cha mẹ tôi phải đau đầu tìm nghề khác. Bây giờ thấy giới trẻ được học nhiều nghề hay như chụp hình, nấu ăn, thợ điện trong chương trình thi nghề chứ ngày xưa tôi chẳng hiểu sao khi thi lớp 9 lại chỉ được chọn nghề nông. Rõ là làm nghề nông nghiệp chẳng có lựa chọn nghề nào khác.

Bỏ nghề chài lưới cha mẹ tôi làm nghề bánh rán (bánh chiên) ngoài bán rán còn chiên cả thâu râu nữa. Nghề này mẹ tôi cũng làm rất tốt tuy nhiên có lẽ do thị hiếu ít nên để bác tôi làm nghề này, cha mẹ tôi chuyển sang làm bánh chưng. Vậy là nhà tôi có nghề gia truyền này từ các đây khoảng gần 30 năm. Đặc trưng của nghề bánh trưng là phải canh trực đêm nên bố tôi khá vất vả khi cứ đun từ tối, đến 1 hoặc 2 giờ sáng dậy đổ nước và khoảng 3 giờ thì vớt bánh. Với nghề này bố tôi lọ mọ tối ngày trong bếp. Ngủ không đủ giấc nên mắt bị trấn thương võng mạc dẫn tới trong 25 năm nay bố tôi bị hư 1 mắt và mắt còn lại thị lực còn khoảng 60%. Đến năm ngoái thì mắt này có nguy cơ bị hư giống mắt kia, may mà tiến bộ khoa học kỹ thuật còn cứu lại cho bố tôi một chút ánh sáng nhìn đường.

Nghề bánh chỉ đủ chi tiêu cho 1 nửa gia đình vì gia đình tôi kinh doanh truyền thống, không lấy lời nhiều nên muốn có đủ chi tiêu phải kiếm thêm nghề khác. Vậy là cha mẹ tôi ngoài làm bánh ra còn phải đi chợ bán bún mới đủ tiền nuôi chúng tôi ăn học. Như vậy kể từ khi chúng tôi học cấp hai, nỗi nhọc nhằn của cha mẹ cũng tăng lên cấp hai, khi học cấp 3 nỗi nhọc nhằn cũng tăng cấp và khi lên đại học thì tài chính trở thành một gánh nặng thật sự. Gánh nặng này đè nặng tinh thần cha mẹ tôi.

Môt ngày nọ khi tôi đang học cấp ba còn anh trai tôi lúc ấy học cao đẳng ở thành phố Nam Định cứ khoảng 1 tuần hay 2 tuần về nhà 1 lần. Khi vừa bước chân vào nhà mẹ tôi vừa đi chợ về mệt quá nên nằm thiếp đi, mắt lim dim. Khi thấy bóng người vào nhà mắt mẹ mở và vô hình mẹ chồm dậy và kêu ôi giời ôi giời Chung à. Tôi hỏi lý do thì mẹ tôi nói: Tưởng anh trai tôi về. Lần ấy tôi không hiểu lắm nhưng lâu lâu hình ảnh mẹ tôi thảng thốt bật dậy khi đang ngủ ấy đánh thức tiềm thức tôi phải suy nghĩ và bây giờ tôi biết mẹ tôi bị vậy là do mẹ tôi bị áp lực mỗi khi anh trai tôi về vì nhà nghèo không có tiền, mỗi lần anh về mẹ toàn phải vay mượn.

Một lần nọ khi tôi đang học Đại Học ở miền Nam, khi về thăm gia đình tôi nằm ngủ trên giường của bố tôi. Bỗng tôi thấy có tiếng chuột kêu ở gầm giường, tôi mới lật rải giường lên thì phát hiện dưới đó toàn tiền tiết kiệm của bố tôi thì phát hiện rất nhiều tờ 100 và 200 đồng, lúc ấy tôi mới thấy mình tiêu tiền hoang phí quá mà bố mẹ tiết kiệm từng đồng cắc. Tiền ngày ấy còn giá trị mà mỗi tháng bố mẹ gởi cho tôi đầy đủ đúng ngày 500 ngàn để sống thoải mái. Tôi thừa tiền đi mua điện thoại di động Sfone Ánh Trăng Huyền Bí giá trị giá cả triệu đồng. Tôi sống sung sướng quá lại là thanh niên nên có lúc tiêu hoang tôi thực sự trách mình rất nhiều và thay đổi cách tiêu tiền từ đó.

Những dịp tết cả nhà tôi như không ngủ, bánh trái là suốt ngày suốt đêm. Những lần nào nhìn thấy hình ảnh bố lọ mọ vớt bánh một mình đêm khuya, hình ảnh mẹ ngồi thái hành lá nước mắt chảy dàn dụa do hành cay mắt... tôi thấy thương vô cùng.

Giờ đây khi đã dựng vợ gả chồng cho con đề huề thì những tưởng bố mẹ tôi được hưởng an nhàn, ai ngờ tuổi già có những nỗi lo của tuổi già. Mẹ tôi bị bệnh triền miên , năm vừa qua trung bình một tháng ở bệnh viện trung bình 26 ngày và ở nhà 4 ngày mỗi năm tốn kém vài trăm. Bố tôi muốn lên chăm mẹ cũng không được vì ông không nhìn thấy lối đi lại. Các anh chị em tôi ai cũng lo bổn phận của gia đình mình nên không chăm được nhiều, chỉ duy trì chăm sóc ở tình trạng vừa phải.

Cầu chúc cho bệnh tật của mẹ nhanh khỏi, cầu chúc cho bố sống bình an minh mẫn không lo sợ gì.













0 nhận xét :